Dân tộc Kinh còn gọi là người Việt. Ở tỉnh Sơn La, dân tộc Kinh là nhóm dân đông thứ hai, với 215.290 người, chiếm 16,22%, sinh sống ở 12 huyện, thành phố.
Ngoài bộ phận đồng bào dân tộc Kinh cư trú tại địa bàn Sơn La từ xa xưa, người kinh từ đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ lên Sơn La sinh sống, lập nghiệp và đồng bào Kinh nghe theo tiếng gọi của Đảng lên xây dựng phát triển kinh tế ở miền núi, cùng với lực lượng bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ xuất ngũ ở lại xây dựng cuộc sống ở Sơn La khá đông đảo.
Hiện nay, một số vùng trong tỉnh có đông người Kinh sinh sống, như: tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình ở khu vực huyện Sông Mã, Yên Châu; tỉnh Thái Bình ở Thuận Châu; tỉnh Hà Tây ở Mai Sơn... Người Kinh ở Sơn La sinh sống xen kẽ, đoàn kết với các dân tộc anh em, hoà nhập trong lao động sản xuất, giao lưu văn hoá, phát triển kinh tế.
Trang phục, xưa kia, đàn ông người Kinh thường mặc quần chân què, áo cánh nâu (Bắc bộ), màu đen (Nam bộ), đi chân đất; ngày lễ Tết mặc quần trắng, áo chùng lương đen, đội khăn xếp, đi guốc mộc. Ðàn bà mặc váy đen, yếm, áo cánh nâu, chít khăn mỏ quạ đen (Bắc bộ); áo bà ba, quấn khăn rằn, nón lá (Nam bộ). Phụ nữ ngày lễ hội mặc áo dài.
Ngày nay, thời trang của người Kinh pha trộn cách tân với thời trang du nhập như áo thun, áo sơ mi trắng, váy dài, quần tây... Áo dài cũng đã được cách tân ít nhiều để phù hợp nhu cầu thời trang hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống và tôn lên được vóc dáng cũng như vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ Việt.
Nhà ở, người Kinh thường ở nhà trệt. Ngôi nhà chính thường có kết cấu 3 gian hoặc 5 gian và gian giữa là gia trang trọng nhất, đặt bàn thời gia tiên. Những gian bên là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt của các thành viên trong gia đình, gian buồng được bố trí ở chái nhà làm chỗ ở của phụ nữ và cũng là nơi cất trữ lương thực, của cải của gia đình. Nhà bếp thường được làm liền với chuồng nuôi gia súc. Sân để phơi và để sinh hoạt gia đình và cũng để tạo không gian thoáng mát, phù hợp điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm.
Ngày nay, do dân số tăng, khuôn viên nhà truyền thống với sân - vườn rộng của phần đông các gia đình phải chia thành nhiều khuôn viên nhỏ hơn, các ngôi nhà cấp bốn được thay thế bằng nhà mái bằng, nhà tầng hình ống hiện đại.
Trong nghề trồng lúa nước, người Kinh có truyền thống đắp đê, đào mương. Nghề làm vườn, trồng dâu nuôi tằm, nghề chăn nuôi gia súc và gia cầm, đánh cá...
Phong tục, Tết Nguyên đán (Tết Âm lịch) là tết lớn nhất trong năm. Sau Tết Âm lịch là các hội mùa xuân. Ngoài ra, còn có nhiều lễ tết truyền thống khác như Rằm Tháng giêng, Tết Thanh minh, lễ Hạ điền, lễ Thượng điều, Tết Ðoan Ngọ, Rằm Tháng bảy, Tết Trung thu... Mỗi tết đều có ý nghĩa riêng và lễ thức tiến hành cũng khác nhau.
Ẩm thực,“Cơm tẻ, nước chè” là đồ ăn, thức uống cơ bản hằng ngày của người Việt. Ðồ nếp chỉ gặp trong những ngày lễ tết. Trong bữa ăn hằng ngày thường có món canh rau hay canh cua, cá... Ðặc biệt người Việt rất ưa dùng các loại mắm (mắm tôm, cá, tép, cáy...) và các loại dưa (cải, hành, cà, kiệu).
Mâm cỗ ngày Tết truyền thống của người Kinh không thể thiếu được các món ngon quen thuộc như:bánh chưng, dưa hành, củ kiệu, thịt đông, nem, giò, xôi, gà luộc hay canh măng… Rượu được dùng trong các dịp lễ tết, liên hoan... ăn trầu, hút thuốc lào trước kia chẳng những là nhu cầu, thói quen mà còn đi vào cả lễ nghi phong tục.
Vốn văn học cổ của người Kinh khá lớn: Có văn học truyền miệng (truyện cổ, ca dao, tục ngữ), có văn học viết bằng chữ (những áng thơ, văn, bộ sách, bài hịch). Nghệ thuật phát triển sớm và đạt trình độ cao về nhiều mặt: ca hát, âm nhạc, điêu khắc, hội hoạ, múa, diễn xướng. Hội làng hàng năm, là một dịp sinh hoạt văn nghệ rôm rả, hấp dẫn nhất ở nông thôn.
Link nội dung: https://suckhoegd.com/dan-toc-kinh-o-son-la-a14987.html