“SỐNG LÀ CHO, ĐÂU CHỈ NHẬN RIÊNG MÌNH”

“SỐNG LÀ CHO, ĐÂU CHỈ NHẬN RIÊNG MÌNH”

Chiều về! Cái nắng vàng đổ mình soi bóng xuống dọc dài bờ sông Kênh 5. Trên bờ, bà Hai thủng thẳng chẳng biết đi đâu mà lại quẩy theo nải chuối to tướng. Chả là chiều nay, khi ra thăm vườn, bà phát hiện ra buồng chuối lùn ở góc vườn đã ngả màu. Tay cầm theo con dao mác, bà vung tay chặt cái phập, cây chuối ngả xuống theo lưỡi dao ngọt sớt. Bà chọn nải chuối to nhất, lấy cọng dây chuối buộc lại tử tế, rồi mang đi luôn. Bà dừng chân ghé vào cổng nhà thờ. Tay thò qua cái lỗ mở cái chốt khóa cổng và bà bước vào trong như chuyện rất bình thường của nhà mình. Đi được vài bước miệng bà oang oang:

- Ông cố, ông cố có ở nhà không?

Im re, chẳng một ai lên tiếng đáp lại ngoài tiếng của mấy con chó sủa inh ỏi. Đoán biết ông cố giờ này chắc đang ở vườn, bà đi một mạch ra sau. Đúng thật, ông cố đang lúi húi cuốc đất. Nước da ngăm đen vì rắm nắng, đầu ông cố đội cái nón lá, mặc chiếc áo thun đen đã sờn và cái quần bà ba lò xo đã quăn lên đến mấy phân. Hớt hải chạy đến, bà chào:

- Thưa ông cố, con mới tới.

- À, chào bà Hai nha. Có việc gì không đây ?

- Dạ thưa ông cố, vườn nhà con hôm nay có buồng chuối ngon lắm, con chọn nải to nhất biếu ông cố ăn lấy thảo.

Vừa nói bà hai đưa nải chuối lên khoe. Vị linh mục nhìn người đàn bà miền quê chân chất nhưng giàu tình người, rồi ngài cất tiếng :

- Cám ơn bà Hai nhiều nha. Tay con dơ quá, nhờ bà Hai treo vào thân cây đằng kia, lát con vào sẽ lấy.

Bà Hai phấn khởi treo nải chuối lên thân cây, bà quay lại nói với ông cố:

- Thưa ông cố, ngày mai là ngày giỗ của ông Hai, linh hồn Giuse, xin ông cố dâng thánh lễ cho ông Hai.

Vị linh mục hiểu ý, mỉm cười nhìn bà, rồi nói :

- Được rồi, bà Hai yên tâm, sáng mai, con sẽ dâng lễ cho ông Hai.

- Cám ơn ông cố nhiều.

Bà Hai vui vẻ ra về. Vị linh mục nhìn bà đi về, ngước mắt lên trời Ngài thầm tạ ơn Chúa. Ở cái vùng đất này, bà con tuy nghèo thiệt nhưng gần gũi và chân chất quá!

…..

Vị linh mục ấy chính là ông cố - cha sở họ đạo của tôi. Nhớ lại hồi ông cố mới chuyển về từ cha phó của một họ đạo hạt lớn về nhiệm sở tại một miền quê xa xôi hẻo lánh. Thật ra, họ đạo của tôi chỉ có hơn 300 gia đình. Bà con ở đây cả năm chỉ quanh quẩn với ruộng vườn. Từ ngày ông cố về họ đạo, bà con vui hẳn lên vì từ trước đến giờ họ đạo chỉ là họ lẻ được các ông cố xứ bên cạnh quản nhiệm.

Ông cố trẻ, độ gần năm mươi tuổi nhưng rất chân chất và gần gũi với bà con. Họ đạo nghèo và nhà thờ thì lụp xụp. Mùa nước lũ về là bà con đi lễ phải săn quần lên tới đầu gối. Ông cố với chiếc áo chùng thâm cũng kéo lên lội từ nhà xứ sang nhà thờ dâng lễ, lúc nào cũng vui vẻ. Mỗi sáng sau thánh lễ, ông cố cũng mặc cái áo thung rộng và cái quần bà ba, đầu đội nón lá ra đồng làm việc như bà con. Xung quanh nhà thờ còn hoang sơ, cỏ dại, ao bèo um xùm. Mình ông cố cứ hàng ngày dọn sạch vườn cỏ và trồng khoai. Đến mùa thu hoạch, ông cố cho thiếu nhi đến để thu khoai về luộc, hay nhóm nào phụ ông cố dọn cỏ thì sẽ được nhổ khoai để nướng.

Vì họ đạo là giáo điểm truyền giáo nên ông cố thường xuyên đến thăm các gia đình. Động viên bà con cho con cái ăn học tới nơi tới chốn. Khuyên ba con mỗi tối đến nhà thờ đọc kinh kính Đức Mẹ. Chẳng bao lâu, mọi người đều rất quý mến ông cố. Bất luận nhà có việc gì to nhỏ đều đến hỏi và thưa ông cố, nhờ ông cố cho lời khuyên. Lúc nào đến gõ cửa, dù một em thiếu nhi ông cố cũng ra tiếp, hỏi thăm và nói chuyện. Bà con trong xóm ốm bệnh, ông cố đều sắp xếp đến thăm, chỉ thuốc thang cho chữa bệnh.

Là vị mục tử với nhiệt huyết truyền giáo, ông cố quen biết nhiều đoàn từ thiện mời họ xuống thăm họ đạo. Nhận được bao nhiêu sự trợ giúp, ông cố chuyển đến tận tay cho người nghèo. Chẳng bao giờ giữ lại cái gì cho mình. Lúc nào, ông cố cũng nghĩ đến người nghèo, lo khoan cây nước (khoan giếng), mua xuồng, ghe cho bà con đi lễ, cất nhà cho bà con nghèo. Còn về phần mình, ông cố sống đơn sơ giản dị trong một căn phòng nhỏ không tiện nghi và qua bữa bằng những luống rau rợ mình trồng. Nhà xứ không bà bếp, ai cho cái gì thì dùng cái đó. Riết hồi thành thói quen, bà con muốn biếu ông cố bó rau, nải chuối thì treo ở hàng rào nhà xứ. Ông cố tự ra lấy.

Có lần ngồi nói chuyện với ngài, tôi hỏi:

Ông cố mỉm cười đáp lại bằng đôi bàn tay xòe ra :

Nghe những lời này, tôi phục ông cố thật. Bước vào cuộc sống, tôi lại thấy lời dạy này thấm thía. Chợt đến trong đầu tôi lúc này là câu thơ của Tố Hữu:

Nếu là con chim, chiếc lá, Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh. Lẽ nào vay mà không có trả Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?

Viết Ân

Link nội dung: https://suckhoegd.com/song-la-cho-dau-chi-nhan-rieng-minh-a14976.html