Tài sản là gì? Quyền sở hữu tài sản theo Bộ luật Dân sự
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Trong đó, bất động sản (Điều 107 Bộ luật Dân sự 2015) bao gồm:
- Đất đai;
- Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;
- Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;
- Tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Động sản là những tài sản không phải là bất động sản.
**Tài sản là vật
- Vật chính và vật phụ
+ Vật chính là vật độc lập, có thể khai thác công dụng theo tính năng.
+ Vật phụ là vật trực tiếp phục vụ cho việc khai thác công dụng của vật chính, là một bộ phận của vật chính, nhưng có thể tách rời vật chính.
- Vật chia được và vật không chia được
+ Vật chia được là vật khi bị phân chia vẫn giữ nguyên tính chất và tính năng sử dụng ban đầu.
+ Vật không chia được là vật khi bị phân chia thì không giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu.
- Vật tiêu hao và vật không tiêu hao
+ Vật tiêu hao là vật khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu.
+ Vật không tiêu hao là vật khi đã qua sử dụng nhiều lần mà cơ bản vẫn giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu.
- Vật cùng loại và vật đặc định
+ Vật cùng loại là những vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định được bằng những đơn vị đo lường.
+ Vật đặc định là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí.
- Vật đồng bộ là vật gồm các phần hoặc các bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau hợp thành chỉnh thể mà nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc bộ phận không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật đó bị giảm sút.
**Tài sản là tiền
Tiền là vật ngang giá chung để trao đổi hàng hóa và dịch vụ.
**Tài sản là giấy tờ có giá
Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2012/TT-NHNN thì giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và những điều kiện khác.
Các loại giấy tờ có giá như hối phiếu đòi nợ; trái phiếu Chính phủ; các loại chứng khoán;... (Xem chi tiết: Các loại giấy tờ có giá)
**Tài sản là quyền tài sản
Còn theo Điều 115 Bộ luật Dân sự 2015, quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
Quyền sở hữu tài sản bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật. (Điều 158 Bộ luật Dân sự 2015). Trong đó:
- Chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản.
- Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản.
- Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.
Còn theo Điều 159 Bộ luật Dân sự 2015 thì quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác. Quyền khác đối với tài sản bao gồm:
- Quyền đối với bất động sản liền kề;
- Quyền hưởng dụng;
- Quyền bề mặt.
Link nội dung: https://suckhoegd.com/tai-san-la-gi-quyen-so-huu-tai-san-theo-bo-luat-dan-su-a14021.html