5 dấu hiệu cảnh báo tài khoản ngân hàng đang có nguy cơ bị chiếm đoạt

1. Xuất hiện những khoản thanh toán nhỏ bất thường

Tội phạm mạng thực hiện hành vi của mình qua ngân hàng trực tuyến thường sẽ không muốn nạn nhân nhanh chóng phát hiện những dấu hiệu bất thường. Do đó, chúng thường rất tỉ mỉ và thầm lặng thực hiện những lệnh thanh toán nhỏ, qua giao dịch trực tuyến, chỉ với vài chục ngàn đến vài trăm ngàn trên tài khoản của người dùng. Nếu giao dịch thành công, chúng sẽ biết chắc là tài khoản đó còn hoạt động và có số dư. Đây là lúc chúng thực hiện những giao dịch lớn hơn.

Nếu người dùng thấy tài khoản xuất hiện những khoản thanh toán nhỏ nhưng bất thường trên tài khoản ngân hàng, hãy ngay lập tức liên hệ với ngân hàng. Hơn nữa người dùng nên chọn thiết lập cảnh báo số dư tài khoản qua SMS để luôn đảm bảo theo dõi tài khoản được an toàn.

2. Nhận được những thông báo lạ đến từ ngân hàng

Cảnh báo số dư bằng SMS được thiết lập giúp người dùng theo dõi mọi lúc mọi nơi số tiền thu vào hoặc chuyển đi của tài khoản, đồng thời cũng thường kèm theo các báo cáo email hằng tuần và cảnh báo cho các tính năng khác.

Hãy kiểm tra các thông báo này thường xuyên để đảm bảo số dư tài khoản luôn an toàn. Bên cạnh đó, người dùng cũng sẽ nhanh chóng phát hiện những dấu hiệu bất thường có thể xảy ra. Chẳng hạn như có yêu cầu thay đổi tên tài khoản, mật khẩu hay bất kỳ thông tin cá nhân nào. Nếu như người dùng không thực hiện bất kỳ yêu cầu nào thì đây chính là dấu hiệu rõ ràng nhất cho việc tin tặc đang cố gắng tấn công vào tài khoản ngân hàng của người dùng. Lúc này người dùng cần liên hệ với ngân hàng ngay lập tức.

5 dấu hiệu cảnh báo tài khoản ngân hàng đang có nguy cơ bị chiếm đoạt

3. Nhận được cuộc gọi với danh nghĩa ngân hàng yêu cầu thông tin danh tính

Một trong những thủ thuật lừa đảo phổ biến ngày nay chính là sử dụng số điện thoại của nạn nhân. Tin tặc có thể giả dạng một ngân hàng nào đó, gọi cho nạn nhân và giả danh một nhân viên ngân hàng. Nếu người dùng cung cấp thông tin cho chúng như số tài khoản, tên tài khoản, mật khẩu hoặc bất kỳ thông tin cá nhân nào thì người dùng đã vô tình tiếp tay cho tin tặc chiếm đoạt tài khoản của mình.

Một ngân hàng chính thống sẽ không bao giờ gọi điện thoại và yêu cầu thông tin cá nhân của khách hàng. Nếu như một ngân hàng nào đó liên hệ người dùng hãy lấy tên và số của họ. Ngay lập tức kiểm tra số điện thoại này có đúng đến từ ngân hàng đó hay không. Nếu không thì hãy ngay lập tức liên hệ với ngân hàng để báo cáo, đảm bảo an toàn cho tài khoản của mình.

4. Xuất hiện giao dịch giá trị lớn rút sạch tiền trong tài khoản ngân hàng

Nếu tài khoản ngân hàng bất ngờ bị rút sạch, một khoản giao dịch lớn được thực hiện trên tài khoản ngân hàng mà người dùng không hay biết. Ngay lập tức hãy liên hệ với ngân hàng xem có thể chặn giao dịch này không. Thế nhưng thường là đã quá muộn. Đây là hậu quả của việc người dùng không nhận ra "dấu hiệu 1" và xử lý sớm hơn.

5. Phát hiện tài khoản ngân hàng đã bị đóng

Đây là dấu hiệu tồi tệ nhất, khi người dùng nhận được một thông báo hoặc thư từ ngân hàng thông báo đóng tài khoản do một thời gian dài không có số dư trong tài khoản. Lúc này cũng đã quá muộn và không thể xử lý được. Do đó để tránh bị rơi vào tình trạng này, người dùng hãy thường xuyên kiểm tra số dư tài khoản và cập nhật thông báo của ngân hàng.

Link nội dung: https://suckhoegd.com/5-dau-hieu-canh-bao-tai-khoan-ngan-hang-dang-co-nguy-co-bi-chiem-doat-a13321.html