Tại thị trường trong nước, giá vàng hôm nay (ngày 13-11) tiếp tục xác lập mức tăng không dừng, khi đạt mức 60,7 triệu đồng/lượng bán ra trước giờ mở cửa phiên giao dịch sáng.
Cụ thể, sáng sớm 13-11, giá vàng trong nước đang niêm yết theo thứ tự mua vào, bán ra tại các công ty lần lượt là:
DOJI Hà Nội: 60 triệu đồng-60,6 triệu đồng; DOJI Sài Gòn: 60 triệu đồng-60,6 triệu đồng; SJC TP Hồ Chí Minh: 60 triệu đồng-60,7 triệu đồng; SJC Hà Nội: 60 triệu đồng-60,72 triệu đồng; SJC Đà Nẵng: 60 triệu đồng-60,72 triệu đồng.
Tính riêng tuần này, giá vàng miếng SJC đã tăng gần 2 triệu đồng. Hiện giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng 8 triệu đồng/lượng.
Kết thúc năm 2019, giá vàng miếng SJC ở mức 42,5 triệu đồng/lượng. Đến đầu tháng 8-2020, giá vàng miếng SJC đã chạm ngưỡng 62 triệu đồng/lượng, tức tăng khoảng 20 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới chạm ngưỡng 2.063 USD/ounce.
Ảnh minh họa: TTXVNTrong khi đó, trên thế giới, giá vàng tiếp tục tăng lên mức cao mới, khi nỗi lo lạm phát vẫn đang đeo bám giới đầu tư. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ chốt phiên ở mức 1.861,30 USD/ounce.
Lạm phát cũng khiến các thị trường tài sản rủi ro đánh mất sức hấp dẫn và dòng tiền chảy ngược vào vàng để trú ẩn, chờ đợi các động thái tiếp theo từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Giá vàng đã tăng nhanh sau khi vượt qua mốc cản tâm lý mạnh 1.800 USD/ounce và bứt tốc bởi dữ liệu lạm phát của Mỹ đạt mức cao nhất trong 30 năm qua.
Thêm vào đó, nhu cầu vàng vật chất về cuối năm thường cao hơn mức trung bình trong năm cũng đã cộng hưởng, đẩy giá vàng lên mức cao nhất trong 5 tháng qua. Do đó, các nhà đầu tư bắt đầu có niềm tin rằng mốc 1.900 USD của giá vàng sẽ đạt được trong tầm tay, sau đó sẽ là những mốc cao hơn nữa.
Theo Peter Grosskopf, Giám đốc điều hành của Quỹ Sprott phân tích, lạm phát càng dai dẳng thì vàng càng tăng giá. Bởi vì nhìn về quá khứ, vàng thường tăng giá khi lạm phát kéo dài so với diễn biến trong giai đoạn ngắn hạn. Do đó, vàng có thể được dự báo tăng giá lên 2.600 USD/ounce, tương đương 72 triệu đồng/lượng.
TRẦN YẾN