Nếu không may bị đứt gân tay và/ hoặc chân, nạn nhân cần được đưa đến cấp cấp để phẫu thuật sửa chữa và phục hồi vận động càng sớm càng tốt. Gân tay, gân chân khi bị đứt nếu không được điều trị kịp thời có thể gây mất chức năng vận động kéo dài. Tiên lượng phẫu thuật điều trị đứt gân tay, gân chân thay đổi tùy thuộc vào vị trí và độ nặng của gân bị tổn thương.
1. Gân là gì?
Gân là những sợi dây dai của mô kết nối cơ với xương. Khi 1 nhóm cơ co lại, các gân sẽ kéo một số xương kèm theo nhất định, cho phép cơ thể thực hiện một loạt các chuyển động khác nhau. Gân tay và gân chân là nhóm các gân hoạt động nhiều nhất cơ thể, trải dài từ khớp vai, cánh tay, bàn chân, cẳng chân và đùi. Trong đó, một số gân lớn nằm ở vùng đùi.
Trên bàn tay, gân được chia thành 2 nhóm:
- Gân duỗi: Chạy từ cẳng tay qua mu bàn tay đến các ngón tay và ngón cái. Cho phép bạn duỗi thẳng các ngón tay và ngón cái của mình.
- Gân gấp: Chạy từ cẳng tay qua cổ tay và qua lòng bàn tay, cho phép bạn uốn cong (gập) các ngón tay của mình.
Mặc dù không phổ biến nhưng đứt gân tay và đứt gân chân có thể xảy ra và đưa đến các hậu quả nặng nề. Người bệnh thường phải trải qua cảm giác đau trầm trọng và mất chức năng vĩnh viễn nếu không được điều trị.
Đứt gân tay, chân có thể được điều trị bảo tồn với thuốc hoặc phẫu thuật sửa chữa, tùy thuộc vào độ nặng và kinh nghiệm của phẫu thuật viên.
2. Nguyên nhân gây đứt gân tay và gân chân
Chấn thương, tai nạn là nhóm nguyên nhân chính của tình trạng đứt gân tay và gân chân. Một người có thể gặp phải tổn thương gân trong các tình huống sau:
- Vết cắt - vết cắt trên mặt lưng hoặc lòng bàn tay, bàn chân có thể dẫn đến chấn thương làm đứt gân nếu đủ độ sâu tới gân.
- Chấn thương do thể thao: Đây là nhóm nguyên nhân đa dạng, dễ gây ra các kiểu đứt gân trong các tư thế đặc trưng. Ví dụ các gân duỗi ngón tay có thể bị đứt khi cuộn ngón tay, chẳng hạn như cố gắng bắt bóng, gân cơ gấp đôi khi có thể bị kéo ra khỏi xương khi túm áo đấu của đối thủ, chẳng hạn như trong môn bóng bầu dục và các ròng rọc giữ gân cơ gấp có thể bị đứt trong các hoạt động đòi hỏi nhiều sức lực, chẳng hạn như leo núi.
- Vết cắn - vết cắn của cả động vật và người có thể gây tổn thương và làm đứt gân. 1 người có thể làm hỏng gân tay của họ sau khi đấm vào răng người khác.
- Chấn thương dập nát: Kẹt ngón tay vào cửa hoặc dập nát bàn tay do tai nạn ô tô có thể chia hoặc đứt gân, kèm theo với các tổn thương xương và mô mềm.
Các bệnh lý cơ xương khớp: Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể làm cho gân bị viêm, làm tăng nguy cơ dẫn đến đứt gân trong những trường hợp nặng.
3. Phẫu thuật điều trị đứt gân tay
Phẫu thuật nối gân tay được chỉ định khi 1 hoặc nhiều gân tay bị đứt hoặc bị rách, dẫn đến mất chuyển động tay bình thường.
Nếu gân duỗi ngón tay bị đứt, bạn sẽ không thể thẳng 1 hoặc nhiều ngón tay. Ngược lại, nếu gân gấp ngón tay bị đứt, bạn sẽ không thể uốn cong 1 hoặc nhiều ngón tay.
Trước khi phẫu thuật, người bệnh có thể được chỉ định chụp X-quang bàn tay và cẳng tay. Mục đích là để kiểm tra và phát hiện các tổn thương khác đi kèm tình trạng đứt gân như gãy xương, cũng có thể cần được phẫu thuật sửa chữa phối hợp.
Việc nối lại gân thường không được coi là phẫu thuật khẩn cấp, nhưng nên được tiến hành càng nhanh càng tốt sau chấn thương - thường trong vòng vài ngày. Điều này là do các sợi gân bị đứt càng lâu thì càng có nhiều sẹo ở phần cuối của các sợi gân, gây hạn chế phạm vi cử động tay dù được phẫu thuật sau đó. Tùy thuộc vào tính chất của vết thương, bạn có thể được dùng thuốc kháng sinh và tiêm vắc-xin uốn ván trước khi phẫu thuật để phòng ngừa nhiễm trùng bàn tay.
3.1 Phẫu thuật nối gân duỗi
Phẫu thuật nối gân duỗi thường được tiến hành dưới gây tê vùng hoặc toàn thân. Đối với thuốc gây tê vùng, 1 mũi tiêm được sử dụng để làm cho 1 phần cơ thể của bạn tê liệt và mất cảm giác hoàn toàn. Đối với phẫu thuật bàn tay, thuốc gây tê vùng được tiêm vào cổ hoặc đỉnh vai để làm tê toàn bộ cánh tay.
Nếu gân bị đứt do vết thương, vết thương sẽ được làm sạch hoàn toàn. Có thể cần rạch ở tay để vết thương lớn hơn và 2 đầu của gân bị đứt sẽ được khâu lại với nhau.
Vết thương sẽ được đóng lại bằng các mũi khâu và một thanh nẹp cứng (nâng đỡ để bảo vệ bàn tay của bạn). Nẹp thường làm bằng thạch cao, hạn chế các cử động tay trong giai đoạn sớm sau phẫu thuật và tránh làm hỏng các gân đã nối.
Nếu không có các tổn thương khác kèm theo, phẫu thuật nối gân duỗi bàn tay có thể mất khoảng 30 phút để hoàn thành.
3.2 Phẫu thuật nối gân gấp tay
Phẫu thuật nối gân gấp tay cũng thường được thực hiện dưới gây tê vùng hoặc gây mê toàn thân. 1 garô sẽ được quấn quanh cánh tay để ngăn máu lưu thông để máu chảy tại vết thương và gây khó khăn cho việc quan sát các cấu trúc liên quan. Garô là một sợi dây hoặc băng quấn chặt dùng để siết chặt cánh tay và tạm thời cắt nguồn cung cấp máu.
Sau đó, bác sĩ phẫu thuật sẽ mở rộng vết thương hoặc rạch da để xác định vị trí các gân bị tổn thương. Họ sẽ nối 2 đầu của phần gân bị tổn thương lại với nhau trước khi khâu chúng vào nhau. Vết thương ở tay sẽ được khâu lại bằng chỉ khâu và thường sẽ dùng nẹp thạch cao để bảo vệ các gân đã được phẫu thuật.
Một ca phẫu thuật nối gân gấp đơn giản mất từ 45 đến 60 phút, nhưng phẫu thuật phức tạp cho những chấn thương nặng hơn có thể mất nhiều thời gian hơn.
3.3 Ghép gân
Trong một số trường hợp, không thể gắn lại 2 đầu của phần gân bị đứt. Điều này có thể là do các đầu của gân quá sờn. Trong những trường hợp này, phẫu thuật có thể được thực hiện để tách lấy gân từ một trong các ngón tay khỏe mạnh và gắn lại vào ngón tay hoặc ngón cái bị tổn thương. Điều này được gọi là sự chuyển ghép gân.
4. Phẫu thuật điều trị đứt gân chân
Có một số gân ở bàn chân có thể bị đứt hoặc rách, bao gồm gân khoeo, gân chày sau và gân Achilles. Đứt hoặc rách gân khoeo có thể xảy ra do bong gân cổ chân trước đó hoặc do mắt cá chân lỏng lẻo mãn tính sau khi bị bong gân. Các triệu chứng bao gồm đau, sưng và cảm giác bất ổn phía sau bên ngoài mắt cá chân.
Bác sĩ chuyên khoa về bàn chân có thể khuyến nghị chụp MRI để giúp xác định phạm vi của vết thương và kiểm tra các tổn thương khác tại mắt cá chân như rách dây chằng, viêm khớp và tổn thương sụn. Điều trị thận trọng bao gồm nghỉ ngơi, chườm đá, kê cao chân, bất động bàn chân bằng nẹp hoặc bó bột cho đến khi lành, dùng thuốc chống viêm và vật lý trị liệu.
Nếu không đáp ứng với điều trị bảo tồn, phẫu thuật nối gân chân có thể cần thiết để sửa lại gân. Gân chày sau gắn cơ bắp chân với các xương bên trong bàn chân và hỗ trợ bàn chân và vòm bàn chân trong khi chúng ta đi bộ. Bàn chân bẹt hoặc kéo căng liên tục có thể khiến gân bị sờn và rách. Rách gân chày sau cũng có thể xảy ra trong các môn thể thao có tác động mạnh. Nếu đứt gân chày sau, phẫu thuật có thể giúp tạo độ cong cho gan bàn chân, hạn chế tình trạng bàn chân dẹt.
Gân Achilles là một trong những gân dài nhất trên cơ thể, kéo dài từ xương gót chân đến cơ bắp chân. Đứt hoặc rách rất có thể xảy ra trong các hoạt động thể chất cần kéo căng đột ngột, chẳng hạn như khi chạy nước rút. Các triệu chứng của đứt gân Achilles có thể bao gồm đau, sưng, bầm tím và không có khả năng hướng bàn chân xuống, đứng trên các ngón chân hoặc thậm chí đi bộ. Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để gắn lại gân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.