Chỉ số NPV được sử dụng để đánh giá mức độ khả thi của dự án thông qua phân tích dòng tiền chiết khấu. Đây là căn cứ quan trọng được các nhà đầu tư sử dụng khi ra quyết định xuống tiền. Vậy chỉ số NPV là gì? Cách tính, ưu và nhược điểm của chỉ số sẽ có trong bài viết dưới đây.
Chỉ số NPV là gì?
Chỉ số NPV (Net Present Value) là giá trị hiện tại ròng. Các dự án được thực hiện và mang lại dòng tiền ròng mỗi năm cho doanh nghiệp. NPV cho biết giá trị số tiền của năm thứ i khi quy về thời điểm hiện tại.
Chỉ số này được sử dụng rộng rãi trong các dự án đầu tư xây dựng hay đầu tư cổ phiếu, trái phiếu,… Sự chênh lệch giữa tổng dòng tiền được quy về hiện tại so với vốn ban đầu là yếu tố then chốt để đưa ra quyết định cuối cùng.
Ý nghĩa của chỉ số NPV là gì?
Kết quả của chỉ số NPV là số tự nhiên, đơn vị là đồng tiền tính ban đầu. Giá trị của chỉ số này có thể dương, âm hoặc bằng 0. Tùy vào kết quả, chúng sẽ có ý nghĩa như sau:
- Chỉ số NPV dương (NPV >0): Đây là kết quả mà nhà đầu tư nào cũng mong muốn với các dự án. Vì khi NPV>0 thì dự án đầu tư có lợi nhuận và khả thi để thực hiện. Không những vượt qua được chi phí mà nếu lớn hơn 0, chỉ số cho thấy dự án trong tương lai “lấn át” luôn tỷ lệ chiết khấu (lạm phát, lãi suất).
- Chỉ số NPV âm (NPV<0): Chỉ số bé hơn 0 cho thấy dự án nếu đầu tư có thể sẽ gây ra thua lỗ. Lợi nhuận mà dự án đầu tư mang lại không thể bù được chi phí và tỷ lệ chiết khấu. Dự án không khả thi và không nên thực hiện nếu chỉ số này bé hơn 0.
- Chỉ số NPV = 0: Chỉ số bằng 0 cho thấy lợi nhuận của dự án chỉ đủ bù cho chi phí và tỷ lệ chiết khấu. Dự án này có thực hiện hay không phụ thuộc vào nhà đầu tư có các mục đích khác không vì lợi nhuận.
Cách tính chỉ số NPV
NPV được tính qua việc tổng hợp dòng tiền ròng các năm của dự án và trừ đi phần chi phí ban đầu, cụ thể công thức như sau:
Trong đó:
- Ct: dòng tiền ròng (lợi nhuận trừ chi phí) của năm t
- C0: chi phí (ngân sách) ban đầu để vận hành dự án
- n: thời gian thực hiện dự án (năm, tháng,..)
- r: tỷ lệ chiết khấu của dòng tiền (các yếu tố như lãi suất vay, lạm phát,..)
- t: thời gian tính toán dòng tiền của dự án
VD: Vốn ban đầu C0 là 500 triệu đồng. Đầu tư cổ phiếu trong 5 năm. Tỷ lệ chiết khấu trung bình hằng năm là 5%. Dòng tiền ròng mỗi năm từ khi đầu tư là 20 triệu. Áp dụng công thức ta có:
NPV = 520/(1+0.05)^1 + 20/(1+0.05)^2 + 20/(1+0.05)^3 + 20/(1+0.05)^4 + 20/(1+0.05)^5 - 500 = 62,78 triệu
NPV > 0 có thể kết luận rằng dự án có khả thi để thực hiện.
Điểm mạnh và điểm yếu của chỉ số NPV
Chỉ số NPV được nhà đầu tư sử dụng rộng rãi để đánh giá khả thi dự án. Nhiều điểm mạnh mà chỉ số này mang lại là hấp dẫn. Bên cạnh đó cũng có một số điểm yếu nhà đầu tư cần cân nhắc. Cụ thể, điểm mạnh và điểm yếu của NPV như sau:
Điểm mạnh
- Dễ hiểu: Chỉ số NPV được tính bởi sự chênh lệch dòng tiền ròng tổng dự án. Chỉ số NPV dương cho thấy dự án mang lại lợi nhuận và khả thi để thực hiện. Ngược lại nếu chỉ số này âm cho thấy nếu thực hiện dự án sẽ thua lỗ.
- Có thể so sánh các dự án: Chỉ số NPV có thể được sử dụng để so sánh tính khả thi của các dự án. Chỉ số này cho phép nhà đầu tư dễ dàng so sánh với lợi nhuận của các dự án từ các con số. Nhà đầu tư so sánh và chọn ra dự án có mức lợi nhuận tối ưu nhất cho doanh nghiệp.
- Có thể thay đổi tỷ lệ chiết khấu trong trường hợp rủi ro: Với các dự án có tính chất khác nhau, mức độ rủi ro khác nhau thì nhà đầu tư có thể điều chỉnh tỷ lệ chiết khấu khác nhau. Dự án có mức độ rủi ro càng cao thì tỷ lệ chiết khấu càng cao và ngược lại. Lúc này nhà đầu tư sẽ có được mức lợi nhuận ước tính gần đúng nhất.
Điểm yếu
- Ước tính lợi nhuận mang tính tạm thời: Dự án khi thực hiện có thể phát sinh một số chi phí không được dự báo trước vì vậy sẽ ảnh hưởng đến mức lợi nhuận đưa ra ban đầu. Đồng thời, tỷ lệ chiết khấu dự đoán cũng không hoàn toàn chính xác, có thể gây ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời.
- Bỏ qua chi phí cơ hội: Việc lựa chọn một dự án có lợi nhuận tốt vào một thời điểm nhất định không hoàn toàn là lựa chọn sáng suốt. Lý do là bởi vào một thời điểm khác, có thể xuất hiện các dự án mang lại mức lãi tốt hơn.
- Bỏ qua quy mô dự án đầu tư: NPV chỉ xem xét mức khả thi qua lợi nhuận của dự án. Tuy nhiên lại bỏ qua quy mô của dự án về tổng mức đầu tư ban đầu. Ví dụ, dự án X có mức lợi nhuận là 1 tỷ so với dự án Y là 800 triệu. Tuy nhiên, dự án X có số vốn ban đầu là 10 tỷ, dự án Y chỉ là 5 tỷ. Cho thấy dự án X có tỷ suất lợi nhuận cao hơn Y.
- Không nêu lên toàn cảnh dự án: NPV chỉ đưa ra lợi nhuận cuối cùng để đánh giá mà bỏ qua tổng thể dự án, lợi ích doanh nghiệp dài hạn và xã hội,…
Kết luận
Chỉ số NPV giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định nhanh chóng nhờ lợi nhuận được tính toán. Chỉ số này cũng có một số điểm mạnh và hạn chế, nhà đầu tư có thể cân nhắc sử dụng và đưa ra quyết định đầu tư. Đừng quên theo dõi DNSE để cập nhật các kiến thức mới nhất nhé!